Quy định pháp luật hành nghề dịch vụ kế toán

0
42

Quy định của pháp luật về hành nghề dịch vụ kế toán

Dịch vụ kế toán, dịch vụ thực hiện thủ tục về thuế là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, được kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ tài chính, Tổng cục thuế, Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam.

Để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất hai người có chứng chỉ Kiểm toán viên/chứng chỉ hành nghề kế toán, trong đó giám đốc doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ Kiểm toán viên/chứng chỉ hành nghề kế toán.

Theo Quy định của Luật kế toán 2015, Nghị định 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kế toán, Thông tư số 72 /2007/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2007 của Bộ tài chính về đăng ký hành nghề kế toán, có quy định về điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán như sau :

1. Đối với công ty dịch vụ kế toán

a) Có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán;
b) Có ít nhất 2 người có Chứng chỉ kiểm toán viên/chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp, trong đó Giám đốc doanh nghiệp phải là người có Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ 2 năm trở lên.
Căn cứ Điều 55 của Luật Kế toán, tổ chức có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán được thực hiện các dịch vụ kế toán sau đây:
1. Làm kế toán;
2. Làm kế toán trưởng;
3. Thiết lập cụ thể hệ thống kế toán cho đơn vị kế toán;
4. Cung cấp và tư vấn áp dụng công nghệ thông tin về kế toán;
5. Bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, cập nhật kiến thức kế toán;
6. Tư vấn tài chính;
7. Kê khai thuế;
8. Các dịch vụ khác về kế toán theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán

Theo Quy định tại Điều 43 Nghị định 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan có nhu cầu về dịch vụ kế toán như làm kế toán, làm kế toán trưởng, thiết lập hệ thống kế toán, kê khai thuế… chỉ được ký hợp đồng dịch vụ kế toán với các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, dịch vụ thuế được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

3.Xử phạt hành chánh trong lĩnh vực kế toán

Theo Quy định tại Điều 10 Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/05/2011 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán có quy định :

a)Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Không tổ chức bộ máy kế toán; không bố trí người làm kế toán hoặc không thuê tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán theo quy định;
– Bố trí người làm kế toán mà pháp luật quy định không được làm kế toán;
– Bố trí người làm kế toán không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
– Thuê tổ chức, cá nhân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề kế toán hoặc không đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định, cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản trừ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể;
– Bố trí người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định;
– Thuê người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

Như vậy để bảo vệ quyền lợi của chính công ty mình, đảm bảo lựa chọn được công ty cung cấp dịch vụ kế toán có chất lượng, hồ sơ, thủ tục và điều kiện thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, khi lựa chọn các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, Doanh nghiệp phải yêu cầu Công ty dịch vụ kế toán xuất trình
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ghi dịch vụ kế toán;
– Chứng chỉ Kiểm toán viên/chứng chỉ hành nghề kế toán của giám đốc công ty dịch vụ kế toán.
– Xác nhận đăng ký hành nghề hàng năm của Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Please enter your comment!
Please enter your name here