6 thông tin bắt buộc phải có trên website thương mại điện tử bán hàng

0
16

Khi kinh doanh online, việc sở hữu một website bán hàng là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng việc xây dựng và vận hành một website bán hàng phải tuân thủ những quy định pháp luật nhất định. Một trong những yêu cầu quan trọng là việc cung cấp đầy đủ các thông tin bắt buộc trên website.

Vậy những thông tin bắt buộc phải có trên website thương mại điện tử bán hàng online để tránh vi phạm pháp luật là gì? Hãy cùng ad tìm hiểu thông qua bài viết này

Tại sao thông tin trên website lại quan trọng?

  • Tăng độ tin cậy: Khi người tiêu dùng truy cập vào website của bạn, họ sẽ cảm thấy an tâm hơn khi thấy những thông tin rõ ràng, minh bạch về doanh nghiệp.
  • Tránh vi phạm pháp luật: Việc không cung cấp đầy đủ thông tin bắt buộc có thể dẫn đến các hình thức xử phạt hành chính.
  • Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Cung cấp đầy đủ thông tin giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt.

Website thương mại điện tử là gì?

Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Những thông tin bắt buộc phải có trên website thương mại điện tử bán hàng

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, 6 thông tin bắt buộc phải có trên website thương mại điện tử bán hàng bao gồm:

1. Thông tin về người sở hữu website

Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải công bố những thông tin sau trên trang chủ website:

– Tên và địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp.

– Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.

– Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

(Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP)

2. Thông tin về hàng hóa, dịch vụ

Tại Khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 (sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP) quy định: “Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.“.

Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Theo đó Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa có hiệu lực từ ngày 15/02/2022 như sau:

Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

  1. a) Tên hàng hóa;
  2. b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
  3. c) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 111/2021/NĐ-CP;

3. Thông tin về giá cả

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thông tin về giá hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu có, phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.

Trường hợp nếu thông tin giá hàng hóa hoặc dịch vụ niêm yết trên website không thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ thì giá này được hiểu là đã bao gồm mọi chi phí liên quan nói trên trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Thông tin về điều kiện giao dịch chung

Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, bao gồm:

– Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, như giới hạn về thời gian hay phạm vi địa lý, nếu có;

– Chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này;

– Chính sách bảo hành sản phẩm, nếu có;

– Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những điều kiện và hạn chế nếu có;

– Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng trong mỗi giao dịch.

(Khoản 1 Điều 32 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP)

5. Thông tin về vận chuyển và giao nhận

Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những thông tin sau về điều kiện vận chuyển và giao nhận áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website:

– Các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ;

– Thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng;

– Các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, nếu có;

– Phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận.

6. Thông tin về các phương thức thanh toán

Thông tin về các phương thức thanh toán phải được cung cấp trên website thương mại điện tử bán hàng theo quy định như sau:

– Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố toàn bộ các phương thức thanh toán áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, kèm theo giải thích rõ ràng, chính xác để khách hàng có thể hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

– Nếu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập cơ chế để khách hàng sử dụng chức năng này được rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi thực hiện việc thanh toán.

(Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)

Hình phạt khi vi phạm

Nếu doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về cung cấp thông tin trên website, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm.

>> Tham khảo: Mức xử phạt khi không thông báo đăng ký website đến Bộ Công Thương

Kết luận

Việc cung cấp đầy đủ thông tin trên website bán hàng không chỉ là nghĩa vụ của doanh nghiệp mà còn là cách để bạn xây dựng lòng tin với khách hàng và phát triển bền vững. Hãy đảm bảo rằng website của bạn luôn tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật để tránh rủi ro và xây dựng một thương hiệu uy tín.

 

5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Please enter your comment!
Please enter your name here